Xã Khánh Hà gìn giữ nghệ thuật hát Trống quân

02/08/2023 10:00

http://thuongtin.hanoi.gov.vn/documents/1525352/1950221/Cu+Nguyen+Thi+Ny+v%E1%BB%9Bi+chi%E1%BA%BFc+tr%E1%BB%91ng+qu%C3%A2n.jpg/64db5b69-0f93-4c43-a62d-6bd3fa274ddb?t=1507166878920

Giá trị văn hóa của nghệ thuật hát Trống quân Hát Trống Quân là hình thức sinh hoạt ca hát giao duyên rất phổ biến ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng và trung du, miền núi phía Bắc của Việt Nam.

Mỗi địa phương có chút ít khác nhau về làn điệu, cách thức, thời điểm hát, nhưng có đặc điểm chung là cách thức hát xướng giống nhau, làn điệu gần giống nhau và sử dụng một loại trống để đánh nhịp khi hát và đoạn "Lưu không" giữa những câu đối đáp. Từ lâu, xã Khánh Hà được biết tới như một nơi có địa hình thơ mộng với sông Nhuệ và sông Tô Lịch tựa dải lụa mềm chảy ngang qua và những làn điệu trống quân da diết . Lề lối hát trống quân ở Khánh Hà đặc biệt hơn nhiều vùng miền khác ở chỗ, kép hát luôn tuân thủ chặt ở các chặng hát. Đó là, chặng chào hỏi mở đầu, chặng đối đáp tâm tình, chặng hát hẹn giã biệt. Đến giờ, những người Khánh Hà vẫn truyền tai nhau rằng, điệu hát đặc sắc của vùng có từ thời vua Lê Lợi. Với họ, hát trống quân đã trở thành một nét văn hoá đẹp, là chất keo kết nối tình làng nghĩa xóm.

Trong cuộc đọa đàm về nghệ thuật hát Trống quân được tổ chức tại Đình làng Khánh Vân, xã Khánh Hà, theo PGS. Nhạc sĩ  Đặng Hoàng Loan – Chuyên gia âm nhạc dân tộc: Trống quân là trống cổ nhất của người việt, rồi cái trống được nâng lên đánh bằng cái hũ, trên là cái mâm đồng, kéo dây ra hai bên. Hiện có khoảng 1000 bài hát trống quân. Khánh Hà đã, đang phục dựng lại lối hát trống quân. Đây là một trong những nơi phục dựng tương đối sớm mà hoạt động hiệu quả.

Màn hát đối đáp của các thành viên CLB Trống quân xã Khánh Hà

Hiện nay câu lạc bộ hát trống quân xã Khánh Hà hiện có 45 thành viên, các thành viên có nhiều độ tuổi khác nhau, từ các em nhỏ 10 tuổi cho đến các cụ cao niên 70, 80 tuổi.  Để hát được trống quân, người hát phải có chất giọng tốt, cao, tròn vành, rõ tiếng. Mỗi nhóm tham gia thường có từ 5 đến 7 người. Nam mặc bộ quần áo nâu tươi, đầu quấn khăn lưỡi rìu mầu đỏ, nữ mặc váy nâu, áo cánh nâu bên ngoài, đầu quấn khăn nhung đen. Chứng kiến không khí say sưa tập luyện của các thành viên CLB Hát Trống quân Khánh Hà trong những ngày lễ hội mới thấy sự đam mê, yêu văn nghệ của người dân nơi đây. Những câu luyến láy da diết của các "nghệ sĩ chân đất" cất lên thật đằm thắm, cuốn hút lòng người….

 

Đặc sắc và độc đáo là vậy, nhưng từng có thời điểm hát trống quân ở Khánh Hà bị gián đoạn, có lúc tưởng rơi vào quên lãng. Chứng kiến những câu hát đã chinh phục bao lớp người dần rơi vào quên lãng, những người tâm huyết với điệu hát này như cụ Nguyễn Thị Ny, ông Nguyễn Mạnh Tươi … luôn ấp ủ phải làm một điều gì đó để lưu giữ nét văn hoá đặc sắc này. Ông Nguyễn  Mạnh Tươi - Chủ nhiệm CLB hát trống quân xã Khánh Hà bộc bạch: “Từ năm 2005, xã Khánh Hà bắt đầu phục dựng lại lối hát trống quân. Đầu tiên là gặp các cụ cao tuổi để ghi lại các lời hát, làm tài liệu để dạy hát cho các cháu nhỏ từ 10 đến 15 tuổi. Thôn Đan Nhiễm là thôn có nhiều các cụ biết các làn điều trống quân và các cháu rất say mê. Nhiều cháu đã hát được các làn điều trống quân cổ của các cụ ngày xưa”.

http://thuongtin.hanoi.gov.vn/documents/1525352/1950221/Cu+Nguyen+Thi+Ny+v%E1%BB%9Bi+chi%E1%BA%BFc+tr%E1%BB%91ng+qu%C3%A2n.jpg/64db5b69-0f93-4c43-a62d-6bd3fa274ddb?t=1507166878920

Cụ Nguyễn Thị Ny với chiếc Trống quân

Bước qua thời điểm khó khăn, giờ đây trống quân Khánh Hà đã ít nhiều được xa gần biết tới, lớp trẻ cũng gắn bó với môn nghệ thuật này hơn. Song, bên cạnh niềm vui đó, những thành viên trong CLB vẫn còn nhiều điều trăn trở. Cụ Nguyễn Thị Ny chia sẻ: Hiện khó khăn lớn nhất mà CLB phải đối mặt là lớp trẻ lớn lên, họ lập gia đình nên thường bỏ hát. Đáng lo hơn cả, CLB chỉ tìm được các kép nữ, không tìm được kép nam…nên công tác lưu giữ và truyền dạy điệu hát càng trở nên cấp bách hơn.

Đối mặt nhiều khó khăn, nhưng vợi sự quan tâm của Huyện ủy, UBND huyện Thường Tín, nghệ thuật hát trống quân ở Khánh Hà đã được lưu giữ và phát triển cho đến ngày nay. Ông Lê Mạnh Cường - HUV, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thường Tín chia sẻ: Hiện nay trên địa bàn huyện Thường Tín có 129 giá trị văn hóa phi vật thể, và hát trống quân là một hình thức được huyện chỉ đạo, quan tâm lưu giữ và phát triển. Trong thời gian tới huyện sẽ có những hình thức để thúc đẩy việc lưu giữ, phát triển loại hình nghệ thuật này, như: tạo cơ hội tham gia các buổi giao lưu, trình diễn phục vụ khán giả; đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ…

Với những kế hoạch của UBND huyện trong việc lưu giữ các loại hình nghệ thuật truyền thống, và sự đam mê của các thành viên CLB hát Trống quân xã Khánh Hà, chúng ta tin tưởng rằng, nghệ thuật hát trống quân ở xã Khánh Hà sẽ tiếp tục được phát triển, góp phần bảo lưu vốn văn hóa quý giá của dân tộc, đất nước.

TV